<< Chapter < Page Chapter >> Page >
Hình 4.1 Xới gốc bón phân cho cây bưởi trước khi xiết nước và phun Paclobutrazol kích thích bưởi ra hoa

Khấc thân hay khoanh cành

Việc khoanh hay khấc thân (cành) gây ra sự tích luỹ những sản phẩm trao đổi chất được tạo ra trên chồi (carbohydrate, ABA và auxin) ở phần trên vết khoanh nhưng đồng thời những chất dinh dưỡng hoặc những chất đồng hoá (Cytokinin, Gibberellin và đạm) được cung cấp bởi rễ cũng được tích luỹ ở phần dưới vết khoanh (Meilan, 1997) và những sản phẩm nầy có thể ảnh hưởng đến sự ra hoa (Zimmerman và ctv., 1985; Hackett, 1985). Việc khoanh thân đã làm phá vỡ tế bào mô libe nên trực tiếp ảnh hưởng đến sự vận chuyển các sản phẩm đồng hoá (Noel, 1970; Goldschmidt và ctv., 1985; Menzel và ctv., 1995). Khi tổng hợp các nghiên cứu về biện pháp khấc thân, Davenport và Núnẽz-Elisea (1997) đã làm sáng tỏ sự đáp ứng của biện pháp khấc thân bao gồm việc làm giảm sự cung cấp các sản phẩm đồng hoá và Auxin tới rễ và tác động nầy đã làm giảm hoạt động của rễ, một sự giảm nguồn cung cấp Cytokinin cho chồi. Khấc thân làm giảm sự sinh trưởng dinh dưỡng và kích thích sự ra hoa trên cây vải ở Florida và Hawaii mặc dù kết quả không ổn định (Menzel, 1983). Khi nghiên cứu tác động của biện pháp khấc cành lên sự biến đổi các chất carbohydrate trên cây quýt Ponkan ở những thời điểm khác nhau trong năm, Mataa và ctv. (1998) nhận thấy rằng hàm lượng đường sucrose và đường khử (Glucose và fructose) trong lá không bị ảnh hưởng bởi việc khấc cành nhưng biện pháp khấc cành trong tháng 9 thì có hàm lượng tinh bột cao nhất vào tháng 2, khác biệt có ý nghĩa so với biện pháp khấc từ tháng 5-7. Sự giảm trong khả năng trao đổi khí trên lá và sự sinh trưởng do tác động bởi biện pháp khấc cành cũng được ghi nhận trên nhiều loại cây trồng (Schaper và Chacko, 1993; Simmons và ctv. 1998; Myers và ctv. 1999).

Sự khoanh cành trên cây quýt Satsuma (C. Unshiu Mars.) làm tăng tỉ lệ số hoa không lá (88,6% so với 46%) và số hoa/lóng (2,4 so với 1,2) (Koshita và ctv. 1999). Ở Ấn Độ, Rameshwar (1988) kích thích ra hoa trên hai giống xoài Banganapally và Romani bằng cách khoanh cành rộng 2 cm vào cuối tháng 10 kết quả cho thấy tỉ lệ số chồi ra hoa lần lượt là 52% và 46% so với đối chứng không xử lý là 30% và 15%. Ở Úc, khấc thân cây xoài là một kỹ thuật đã có từ lâu nhằm kiểm soát sự sinh trưởng, sự ra hoa và phát triển trái xoài trong suốt mùa mùa xoài (Noel, 1970), và cũng nhằm làm tăng sự ra hoa (Malik, 1951; Rath và Das, 1979). Tuy nhiên, hiệu quả của biện pháp khoanh cành thường không đoán trước và làm giảm sự sinh trưởng nếu lập lại nhiều lần ở những năm tiếp theo (Winston và Wright, 1986). Nhằm khắc phục tình trạng cho trái không ổn định trên cây xoài Kensington Pride ở vùng Darwin, thuộc miền Bắc nước Úc (khí hậu nhiệt đới), Leonardi và ctv. (1999) áp dụng biện pháp khấc thân kết hợp với tẩm Morphactin vào vết khấc.

Nhằm xác định hiệu quả của biện pháp khấc thân cây (girdling) lên sự ra hoa và sự sản xuất của giống xoài Tommy Atkins ở Brazil, José (1997) đã tiến hành khấc thân cây xoài ở giai đoạn từ 30-90 ngày trước khi phun Nitrate kali, kết quả cho thấy khấc thân 60-75 ngày trước khi phun Nitrat kali sẽ làm tăng tỉ lệ ra hoa và thu hoạch sớm hơn cây đối chứng 23 ngày nhưng sự sinh trưởng dinh dưỡng của cây bị khấc kém hơn so với đối chứng. Rath và Das (1979) cho biết trên giống xoài Langra ở Ấn Độ, khấc cành trong năm nghịch (off-year) cây xoài ra hoa sau 122 ngày với tỉ lệ 42%, cao hơn so với đối chứng (8%) nhưng thấp hơn khi khấc cành có kết hợp với phun chất ức chế tăng trưởng Cycocel ở nồng độ 3.000 mg/L (62,3%).

Get Jobilize Job Search Mobile App in your pocket Now!

Get it on Google Play Download on the App Store Now




Source:  OpenStax, Xử lý ra hoa. OpenStax CNX. Jul 29, 2009 Download for free at http://cnx.org/content/col10800/1.1
Google Play and the Google Play logo are trademarks of Google Inc.

Notification Switch

Would you like to follow the 'Xử lý ra hoa' conversation and receive update notifications?

Ask