<< Chapter < Page Chapter >> Page >

* Vi khuẩn hiếu khí bắt buộc

Vi khuẩn hiếu khí bắt buộc trong cá bao gồm Pseudomonas spp., Acinetobacter-Moraxella spp., micrococci và một vài loài thuộc nhóm Bacillus spp., sử dụng oxy như là chất nhận điện tử trong quá trình hô hấp. Chúng có thể phân giải protein và lipid tạo sản phẩm cuối cùng là CO2 và H2O. Chúng thường phát triển trên bề mặt của cá nguyên con và cá philê khi môi trường có đầy đủ oxy.

* Vi khuẩn kỵ khí bắt buộc

Clostridia chỉ có thể phát triển với thế oxy hóa khử thấp (-300mv) và một số loài khác chỉ có thể phát triển trong điều kiện không có oxy. Giá trị Eh tối đa mà vi khuẩn kỵ khí phát triển từ +30 đến -250 mv. Một số loài vi khuẩn kỵ khí có thể phát triển ở thế oxy hóa khử cao hơn nhưng trong môi trường không có oxy tốt hơn là có sự hiện diện của oxy. Vi khuẩn kỵ khí không sinh bào tử như Bacteroides thường không chịu được với thế oxy hóa khử cao, trong khi các loài clostridia có thể sống sót một thời gian dài ở thế oxy hóa khử cao (+110 mv) trong sự hiện diện của oxy và đôi khi cũng phát triển ở thế oxy hóa khử cao (+370 mv) trong điều kiện không có oxy. Vi sinh vật kỵ khí bắt buộc thường phát triển nhiều nhất ở phần trong của cá chưa chế biến.

Cá mới vừa đánh bắt, Eh trong mô cơ cá luôn luôn dương (+200 đến +300 mv). Trong suốt quá trình bảo quản, Eh giảm nhanh và còn lại ở mức rất thấp, Eh âm trong suốt quá trình ươn hỏng (- 300 đến - 400 mv).

Có mối quan hệ rất gần giữa Eh và sự hiện diện của TMAO. Ví dụ ở cá tuyết, Eh trong mô cơ giảm cùng với sự khử TMAO thành TMA. Ở cá muối, vi khuẩn khử TMAO bị ức chế nhờ aw thấp, vì vậy TMAO dao động không lớn, Eh thay đổi không đáng kể và vẫn duy trì giá trị dương.

* Vi khuẩn kỵ khí không bắt buộc

Vi khuẩn kỵ khí không bắt buộc trong cá như Lactobacillaceae, Enterobacteriaceae, Corynebacteriaceae và vi khuẩn khử TMAO như Pseudomonas spp., Acinetobacter-Moraxella spp. có thể sử dụng oxy như chất nhận điện tử, nhưng trong điều kiện không có oxy chúng có thể nhận các điện tử khác như NO3-, SO42-, TMAO. Chúng có thể phát triển trên bề mặt và cả bên trong thịt cá, hoạt động phân giải protein và lipid. Sản phẩm của sự phân giải thường là các acid hữu cơ và TMA (trong trường hợp vi khuẩn khử TMAO). Chúng là các vi khuẩn rất quan trọng gây nên sự ươn hỏng thực phẩm. Một số loài kỵ khí không bắt buộc như Enterobacteriaceae là vi khuẩn gây ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng.

d. Giá trị dinh dưỡng của cá

Để hoạt động và phát triển, vi sinh vật cần nước, nguồn năng lượng cacbon, nitơ, các loại khoáng và vitamin. Trạng thái tự nhiên và giá trị dinh dưỡng của cá sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển của chúng.

* Nguồn năng lượng

Carbohydrate (mono-, di-, và polysaccharide), các acid hữu cơ, các hợp chất rượu là nguồn năng lượng chính. Các acid amin, di-, tri-, polypeptide cũng có thể sử dụng như nguồn năng lượng. Hàm lượng carbohydrate trong cá và các loài giáp xác rất thấp (<1%), động vật thân mềm chứa hàm lượng carbohydrate cao hơn (>3%).

* Nguồn nitơ

Vi sinh vật cần nitơ cho quá trình sinh tổng hợp của chúng. Chúng có thể sử dụng nguồn acid amin, peptide, nucleotide, urê, amoniac (hợp chất phi protein) và protein. Các thành phần này được tìm thấy trong cá, giáp xác và động vật thân mềm.

Get Jobilize Job Search Mobile App in your pocket Now!

Get it on Google Play Download on the App Store Now




Source:  OpenStax, Giáo trình công nghệ chế biến thủy hải sản. OpenStax CNX. Jul 29, 2009 Download for free at http://cnx.org/content/col10771/1.1
Google Play and the Google Play logo are trademarks of Google Inc.

Notification Switch

Would you like to follow the 'Giáo trình công nghệ chế biến thủy hải sản' conversation and receive update notifications?

Ask