<< Chapter < Page Chapter >> Page >
Những biện pháp kích thích ra hoa

Biện pháp canh tác

Xông khói

Xông khói để kích thích xoài ra hoa là một kỹ thuật được Gonzales thực hiện từ năm 1923 ở Philippines, mặc dù có ghi nhận là Galang đã thực hiện sớm hơn. Dutcher (1972) cho rằng việc xông khói thật sự kích thích xoài ra hoa hơn là đơn giản chỉ gây ra sự phát triển của mầm hoa đã hình thành trước đó. Tác động của biện pháp xông khói lên sự ra hoa xoài được giải thích do tác động của nhiệt gây ra bởi việc hun khói (Gonzalez, 1923), do tác động của khí CO và CO2 cùng với nhiệt (Galang và Agati, 1936). Việc áp dụng thành công biện pháp xông khói để kích thích ra hoa xoài ở Philippines cũng được thực hiện bởi Alcata và San Pedro (1935, trích dẫn bởi Shu và Sheen, 1987). Việc xông khói được tiến hành hàng ngày liên tục trong hai tuần. Mầm hoa bắt đầu phân hoá sau 5-15 ngày sau khi xông khói liên tục (Dutcher, 1972). Cây không có khả năng ra hoa nếu không xuất hiện mầm hoa sau thời gian kích thích nầy (Gonzalez, 1923). Biện pháp xông khói thường được thực hiện trong tháng 11 hoặc đầu tháng 12 nhưng hiệu quả nhất là trong tháng Giêng (Borja và Bautista, 1932, trích dẫn bởi Bondad, 1989). Tuy nhiên, biện pháp nầy không được áp dụng phổ biến vì tốn nhiều công lao động, phụ thuộc vào yếu tố thời tiết nhưng kết quả không đáng tin cậy.

Cắt rễ

Tổng quan về tình hình áp dụng biện pháp cắt rễ trên ngành trồng cây ăn trái ở một số nơi trên thế giới, Khan và ctv. (1998) cho biết cắt rễ là một kỹ thuật có thể làm giảm sự sinh trưởng trên cây táo (Maggs, 1964, 1965; Geisler và Ferree, 1984; Schupp và Ferree, 1990). Biện pháp cắt rễ còn được áp dụng rộng rãi trong nghề làm vườn ở Châu Âu nhằm làm giảm kích thước tán cây và kích thích sự tượng mầm hoa và đậu trái (River, 1866). Phương pháp nầy cũng được sử dụng có hiệu quả trong sản xuất táo ở miền đông nước Mỹ trong những năm đầu thập niên 1990 (Schupp, 1992).

Nhằm làm giảm sự sinh trưởng của cây táo trồng ở mật độ 20.000 cây/ha (khoảng cách 1,0 m x 0,5 m), Khan và ctv. (1998) đã khảo sát biện pháp cắt rễ ở hai bên hàng, cách gốc cây từ 20-30 cm, sâu 30 cm. Kết quả cho thấy các đặc tính sinh trưởng như chiều cao cây, đường kính tán, chiều dài và đường kính cành đều giảm từ 11-16% ở năm thứ hai, số hoa/mầm, số mầm hoa/thân và tỉ lệ đậu trái tăng so với đối chứng, năng suất của nghiệm thức cắt rễ ở khoảng cách 30 cm giảm không khác biệt so với đối chứng trong năm thứ hai. Tuy nhiên, tác giả cho rằng do sự giảm kích thước tán có thể làm giảm nguồn cung cấp các chất carbohydrate nên làm kích thước trái của biện pháp cắt rễ giảm 15,6% trong năm thứ hai. Đối với giống xoài có đặc tính sinh trưởng mạnh như xoài Kensington Pride, sự sinh trưởng quá mạnh của cây xoài trong mùa mưa sẽ làm tăng kích thước tán cây và sẽ làm giảm hiệu quả cho năng suất của cây. Do đó, kỹ thuật cắt rễ nhằm làm giảm sự phát triển của tán cây, thúc đẩy sự ra hoa và đậu trái. Nhằm cải thiện năng suất của giống xoài nầy, Kulkarni và Hamilton (2001) đã nghiên cứu biện pháp cắt rễ nhằm tăng năng suất cho giống xoài nầy. Rễ cây xoài được cắt xung quanh tán cây, cách gốc 60 cm và sâu 60 cm. Thí nghiệm được thực hiện trên cây xoài 5 năm tuổi gồm có 4 nghiệm thức gồm đối chứng không cắt rễ, cắt rễ hai lần và bốn lần vào tháng 12 (đầu mùa mưa) và tháng Tư (cuối mùa mưa). Kết quả cho thấy rằng việc cắt rễ càng nhiều lần sẽ làm giảm sự sinh trưởng càng nhiều. Số đợt sinh trưởng của nghiệm thức đối chứng nhiều gấp bốn lần so với nghiệm thức cắt rễ bốn lần trong tháng 12. Tỉ lệ quang hợp của nghiệm thức cắt rễ bốn lần trong tháng 12 và tháng 4 đều giảm gần 50% so với đối chứng, trong khi nghiệm thức cắt rễ hai lần tỉ lệ quang hợp giảm từ 15% (tháng 12) đến 23% (tháng 4). Tuy nhiên, năng suất của nghiệm thức cắt rễ hai lần cao gấp 3,5 lần và cắt rễ bốn lần cao gấp 1,4 lần so với đối chứng. Nghiệm thức cắt rễ hai lần cho năng suất cao hơn nghiệm thức cắt rễ bốn lần nhưng không có sự khác biệt ở thời điểm cắt vào tháng 12 hay tháng 4. Như vậy, việc cắt rễ đã có hiệu quả ngăn cản sự tích luỹ ở mức độ cao các chất carbohydrate, làm giảm sự sinh trưởng của cây xoài và làm cho cây đạt năng suất cao hơn so với đối chứng. Hàm lượng các chất dinh dưỡng trong lá cũng được ghi nhận. Chất đạm trong trong lá tương tự nhau ở tất cả các nghiệm thức và cao hơn mức độ tiêu chuẩn, chất kali, magnesium và Bore nằm trong mức độ tiêu chuẩn nhưng lân và canxi thì thấp hơn mức độ tiêu chuẩn. Kulkarni (2002) cho rằng việc cắt rễ góp phần làm giảm sự trao đổi chất ức chế sự ra hoa mà chủ yếu là Gibberellin và gián tiếp làm giảm nguồn cung cấp Cytokinin.

Get Jobilize Job Search Mobile App in your pocket Now!

Get it on Google Play Download on the App Store Now




Source:  OpenStax, Xử lý ra hoa. OpenStax CNX. Jul 29, 2009 Download for free at http://cnx.org/content/col10800/1.1
Google Play and the Google Play logo are trademarks of Google Inc.

Notification Switch

Would you like to follow the 'Xử lý ra hoa' conversation and receive update notifications?

Ask