<< Chapter < Page Chapter >> Page >

Đạm là yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến sự tổng hợp cũng như sự vận chuyển từ rễ lên chồi của CYT. Sự tổng hợp và vận chuyển CYT từ rễ lên chồi cũng còn bị ảnh hưởng bởi sự cung cấp chất lân và kali. Tình trạng dinh dưỡng của chất lân ảnh hưởng lên sự cân bằng giữa ABA và CYT hoặc một phần giữa ABA hoạt động và bất động.

Acid abscisic (aba )

ABA được tổng hợp trực tiếp từng phần trong lục lạp thông qua con đường mevalonic acid nên sự xuất hiện đầu tiên là ở lá. ABA cũng có thể được tổng hợp gián tiếp thông qua Carotenoids. ABA có thể được vận chuyển trong cây trong một khoảng cách xa thông qua mô gỗ và libe và sự vận chuyển có thể từ lá già đến đỉnh sinh trưởng và rễ. ABA có thể di chuyển lên và xuống chứ không có tính phân cực như auxin. Mặc dù ABA được tổng hợp và lưu trú ở lục lạp trong lá không có điều kiện stress nhưng khi bị stress thì ABA được tổng hợp và lưu trú ở bên ngoài lục lạp (tổng hợp bởi Walton, 1980). ABA là một chất ức chế tăng trưởng có liên quan đến tình trạng stress của cây trồng gây ra bởi nhiệt độ thấp, ngập úng hay khô hạn (Flore và Lakso, 1989).

ABA là chất ức chế sinh trưởng tự nhiên, có khả năng làm giảm tác dụng của các chất điều hòa sinh trưởng khác. Là chất đối kháng với GA nên ABA làm chậm sự tăng trưởng của các nhánh do cản sự kéo dài lóng. ABA có tác dụng kéo dài sự ngủ của chồi và hột, sự tăng trưởng của diệp tiêu và các mô nuôi cấy (Mai Trần Ngọc Tiếng, 1989; Taiz và Zeiger, 1991), kích thích sự lão suy và sự rụng lá (Bùi Trang Việt, 1989). Sinh tổng hợp ABA được cảm ứng bởi ngày ngắn và hàm lượng tăng lên rất nhanh khi thiếu nước giúp đóng khẩu. ABA có chung tiền chất với GA là acid mevalonic (Walton và Li, 1995). ABA gia tăng trong đêm và giảm trong ngày thông qua điều chỉnh của phytochrom (Wheatherwax và csv. 1996). Hàm lượng ABA thường cao trong điều kiện ngày dài hơn ngày ngắn hoặc được duy trì không thay đổi sau khi chuyển cây ngày dài từ ngày ngắn tới ngày dài.

Hàm lượng GA trong cây có thể giảm bởi tác động đối kháng của abscissic acid (ABA). ABA tác động đối kháng với GA theo hai cách. Thứ nhất, ngăn cản hoạt động của GA ở mức độ của sự sao chép bằng cách ức chế những ARN thông tin kích thích GA. Thứ hai, thúc đẩy sự tổng hợp của chất ức chế protein (Jacobsen và Chandler, 1987). ABA cũng kích thích một chất ức chế -amylase nên ngăn cản sự thoái hóa tinh bột hay gián tiếp tích lũy tinh bột.

ABA kích thích sự hình thành hoa ở một số cây ngày ngắn chỉ dưới điều kiện cảm ứng một phần, còn đa số trường hợp thì không có hiệu quả hoặc cản. Ở cây ngày dài vai trò của ABA trong sự hình thành hoa không rõ như ở cây ngày ngắn (Metzer, 1995).

Chen (1987) tìm thấy rằng nồng độ của ABA trong ngọn chồi tăng cùng với tuổi chồi ức chế sự sinh trưởng của chồi đó và thường hiện diện rất nhiều trước khi ra hoa. Trong điều kiện lạnh và khô hạn tự nhiên tại Kamphaen Saen Campus, trường đại học Kasetsart, Thái Lan, từ tháng 11 đến tháng giêng năm sau, Pongsomboon và csv. (1997) cho biết sự thay đổi của ABA trong thời kỳ nghỉ của cây xoài Nam Dok Mai tương đối thấp (0,72-1g/TL tươi) và không có sự liên quan đến tình trạng nước trong đất cũng như cường độ ra hoa.

Get Jobilize Job Search Mobile App in your pocket Now!

Get it on Google Play Download on the App Store Now




Source:  OpenStax, Xử lý ra hoa. OpenStax CNX. Jul 29, 2009 Download for free at http://cnx.org/content/col10800/1.1
Google Play and the Google Play logo are trademarks of Google Inc.

Notification Switch

Would you like to follow the 'Xử lý ra hoa' conversation and receive update notifications?

Ask